Hieuloc Aqua: Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (Infection with infectious hypodermal and haematopoietic necrosis virus – IHHNV) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do tác nhân virus IHHNV gây ra. Đây là một loại virus thuộc họ Parvoviridae, có cấu trúc di truyền là phân tử DNA mạch đơn (ssDNA). Kích thước bộ gen khoảng 3,9 kb (GenBank À218266). IHHNV có ít nhất 4 type bao gồm: - Type 1 (có nguồn gốc từ Châu Mỹ và Đông Á, chủ yếu là Philippin). - Type 2 (từ Đông Nam Á); - Type 3A (từ Đông Phi, Ấn Độ và Úc) - Type 3B (từ vùng Tây Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như: Madagascar, Mauritius và Tanzania). Virus thuộc type 1 và 2 thường gây bệnh trên tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) và tôm sú (P. monodon). Trong khi đó, type 3A và 3B không gây bệnh trên những loài tôm này nhưng một số trình tự gen di truyền của chúng lại chèn vào đoạn gen di truyền của vật chủ (P. monodon). Vì vậy, trong quá trình chẩn đoán phát hiện tác nhân gây bệnh cần phân biệt IHHNV gây bệnh (type 1, 2) và không gây bệnh (type 3A, 3B).

Dịch tễ học - IHHNV

IHHNV đã được báo cáo ở tôm he nuôi từ các đảo thuộc Thái Bình Dương bao gồm: đảo Hawaii. Polynesia thuộc Pháp, Guam và Neww Caledonia, khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Trung Đông.

Hầu hết các loài tôm thuộc họ tôm he đều có thể cảm nhiễm với virus gây bệnh như tôm sú (P.monodon), tôm thẻ chân trắng (P.vannamei) và tôm xanh (P.stylirostris). Virus gây bệnh nghiêm trọng trên tôm P.stylirostris (tỷ lệ chết có thể trên 90%), đặc biệt ở giai đoạn tôm trưởng thành. Ở tôm P.monodon và P.vannamei bệnh gây tỷ lệ dị hình và chết thấp hơn nhưng vẫn làm ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của tôm.

Với phương thức lây nhiễm theo chiều ngang và chiều dọc, virus khi xâm nhập vào cơ thể tôm, cơ quan đích mà virus nhắm đến bao gồm: mang, biểu mô dưới vỏ, các mô liên kết, mô tạo máu, cơ quan lymphoid, tuyến antennal và dây thần kinh dưới bụng.

Triệu chứng gây bệnh của IHHNV

Khi tôm bị nhiễm IHHNV, vùng cơ sẽ bị tổn thương nghiêm trọng và hoại tử rộng (chủ yếu ở vùng cơ bụng và cơ đuôi có màu trắng đục).

IHHNV khi xâm nhập còn là nguyên nhân gây biến dạng lớp vỏ kitin của chủy, râu, vùng đốt ngực và vùng bụng ở tôm thẻ chân trắng (P.vannamei) và được gọi là hội chứng biến dạng (Runt-deformity Syndrome, RDS), làm tôm chậm lớn, có kích thước nhỏ.

Sự lây nhiễm virus trên tôm sú (P.monodon) trước đây không được quan tâm, mặc dù vậy, một số nghiên cứu cũng chỉ ra IHHNV hiện diện trên loài tôm này và cũng gây ra hội chứng RDS làm tôm chậm lớn, kích thích nhỏ và biến dạng kitin.

Phương án xử lý, phòng ngừa IHHNV

Bệnh IHHNV do virus gây ra nên điều trị khi bệnh xảy ra là rất khó và hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Chính vì vậy, các giải pháp ưu tiên hàng đầu quan trọng nhất để ngăn ngừa được bệnh chọn nguồn giống tốt, cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật và áp dụng các biện pháp nuôi tôm an toàn sinh học.

Người nuôi tôm không nên chọn mua giống không có giấy chứng nhận, cần phải mua tôm từ trại giống có uy tín đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo điều kiện cơ sở sản xuất giống thủy sản. Trong quá trình nuôi, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường ao nuôi, thực hiện các biện pháp quản lý môi trường nhằm đảm bảo các yếu tố thủy lý hóa nằm ở mức tối ưu cho sự phát triển của tôm. Ngoài ra sau khi kết thúc mùa vụ cần phải cải tạo đầm ao đúng cách nhằm tiêu diệt các mầm bệnh.

Ngoài ra cần chú ý các triệu chứng của tôm và triển khai tầm soát IHHNV nhằm phát hiện sớm sự hiện diện của bệnh.

Bệnh IHHNV trên tôm là bệnh không mới, thậm chí thường gặp nhưng phương pháp đặc trị tối ưu thì ở thời điểm hiện tại vãn chưa tìm ra. Vì vậy cần lưu ý thật kỹ những phương án xử lý nhằm khắc phục bệnh trong khả năng cho phép, bởi vì đây là giải pháp hiệu quả nhất giúp bà con quản lý được tình hình bệnh IHHNV trên tôm nuôi ở hiện tại.